Phí tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
Thứ nhất, về vấn đề đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ luật dân sự 2015:
Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Việc bạn đặt cọc số tiền 500USD cho chủ nhà là nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng thuê nhà. Vì vậy, sau khi hết thời hạn thuê nhà, 2 bên sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà được quy định tại Điều 131 Luật nhà ở 2014: Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng.
Do đó, chủ nhà có trách nhiệm trả lại số tiền đặt cọc cho bạn. Trong trường hợp chủ nhà không trả khoản tiền cọc này, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào sự thỏa thuận của hai bên khi giao kết hợp đồng đặt cọc, khả năng tài chính của hai bên, để quyết định thời gian thanh toán, hình thức thanh toán sao cho phù hợp.
Thứ hai, về việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà quy định Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:
Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên chủ nhà phải có trách nhiệm khai báo tạm trú đến cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi đang cư trú. Về lệ phí đăng ký tạm trú theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chủ nhà có yêu cầu bạn trả chi phí là 18.800.000 đ là không có căn cứ, do đó bạn phải yêu cầu chủ nhà cung cấp phiếu thu của cơ quan nhà nước về việc đăng ký tạm trú cho bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về phí tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật