Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng trợ cấp thôi việc
Căn cứ Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định Trợ cấp thôi việc như sau: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 Bộ luật lao động 2012 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động gồm:
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 192 Bộ luật lao động 2012.
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Do đó, nếu bạn muốn hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động thì bạn phải thuộc một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như trên.
Nếu bạn chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng trợ cấp thôi việc. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật