Dấu hiệu cơ bản của người bị hại trong tội đe dọa giết người
Người bị hại phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe dọa của người phạm tội sẽ được thực hiện. Thật khó có thể hình dung được một hành vi không bao giờ được thực hiện lại làm cho người khác tin rằng nó sẽ xảy ra. Rõ ràng phải có sự lầm tưởng của người bị hại và những người khác về sự thật của hành vi. Điều này phụ thuộc vào hoạt động tư duy của mỗi người. Chính thái độ tâm lý của người bị đe dọa là dấu hiệu buộc tội bị cáo. Việc xác định sự sợ hãi của người bị đe dọa phải căn cứ thái độ, các hoạt động của họ sau khi nhận được sự đe dọa, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, mối quan hệ giữa bị cáo và người bị hại. Nếu người trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng sự đe dọa đó sẽ được thực hiện thì lo sợ của người bị hại là có căn cứ.
Nếu người bị đe dọa không lo sợ bị giết mà lại lo sợ về những hậu quả khác do bị cáo có thể gây nên cho mình, thì dù bị cáo có hành vi đe dọa giết người cũng không phạm tội này. Ví dụ: B nợ tiền của C, hết hạn B chưa trả được. C đe dọa: "Nếu một tuần nữa không trả tao giết mày!". B biết C không dám giết mình, nhưng lại sợ C đến bắt nợ hoặc đón đường đánh mình.
Người bị hại có thể sợ người có hành vi đe dọa giết, nhưng cũng có trường hợp không sợ bị cáo giết mà lại sợ người khác giết mình, thì người có hành vi đe dọa vẫn phạm tội này. Ví dụ: M và H cùng yêu anh T. M đe dọa H: "Nếu mày không buông anh T ra, tao sẽ cho mày chết!". H biết M có quan hệ với bọn lưu manh, sợ thuê bọn đó giết mình nên phải trốn khỏi địa phương không dám về nhà nữa.
Người bị đe dọa có thể sợ mình bị giết và cũng có thể sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe dọa của bị cáo sẽ được thực hiện. Ví dụ: V cho L mượn 2 lượng vàng để làm vốn đi buôn, nhưng vì thua lỗ nên L không trả nợ cho V như đã hứa. V đe dọa: "Nếu không trả V sẽ bắt đứa con 3 tuổi của L nhốt một chỗ cho chết đói". L lo sợ phải đưa con đi trốn.
Thư Viện Pháp Luật