Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được quy định như thế nào? Và căn cứ pháp lý ở đâu? Chào Ban biên tập, tôi tên là Lê Hoàng Anh (email: an***@gmail.com, 45 tuổi). Hiện tôi đang làm việc tại Ủy ban nhân dân tỉnh X. Tôi thắc mắc: Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập ra sao? Xin cảm ơn.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp  trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đã được quy định cụ thể tại Điều 56 Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Theo đó: 

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán như sau:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân và tối đa đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán như sau:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và tối đa đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính;

c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập như sau:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức cao nhất quy định tại Nghị định này đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính;

c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp  trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 105/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào