Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị xử phạt thế nào?
Theo Điều 250 Bộ luật hình sự 1999 có quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cụ thể là:
"1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp ;
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;
d) Thu lợi bất chính lớn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;
b) Thu lợi bất chính rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;
b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này".
Và tại Khoản 2 và Khoản 10 Điểm 2 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT- BCA- BQP- BTP-NHNNVN-VKSNDTC- TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền, có quy định như sau:
"Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó".
"Về mặt chủ quan của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có".
Với trường hợp của anh trai bạn trước hết phải xem xét xem:
Thứ nhất, anh trai bạn có biết chiếc điện thoại ip6 mà nhân viên ký thuật cầm cố tại cửa hành của mình là tài sản do phạm tội mà có không?
Thứ hai, anh trai bạn và nhân viên kỹ thuật kia có thỏa thuân hay bàn bạc gì về việc cầm cố chiếc điện thoại này không?
Như vậy, để kết luận một hành vi cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì cần phải chú ý đến hai dấu hiệu nêu trên, chỉ cần một dấu hiệu không thỏa mãn thì đã không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm nên với trường hợp của anh trai bạn: nếu anh trai bạn không biết rằng chiếc điện thoại ip6 mà mình đang cầm cố là tài sản do anh nhân viên kỹ thuật kia nhận bảo hành cho khách hàng nhưng không mang về cửa hàng điện thoại của a ta để bảo hành mà mang sáng quán anh trai của bạn để cầm cố (tức tài sản do phạm tội mà có) mà chiếc điện thoại này rất khó để nói rằng anh trai bạn chứng minh được nghĩa vụ buộc phải tìm hiểu về chủ sở hữu tài sản; cho nên sẽ không thỏa mãn dấu hiệu của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và ngược lại, nếu anh trai bạn biết chiếc điện thoại này do phạm tội mà có, không có hứa hẹn về việc cầm cố chiếc điện thoại ip6 với nhân viên kỹ thuật kia thì đương nhiên anh bạn sẽ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật