Nội dung thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng
Nội dung thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng được quy định tại Điều 52 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng như sau:
1. Ban hành và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng khi cần thiết.
3. Yêu cầu, đôn đốc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi quản lý của mình.
4. Hướng dẫn việc đăng ký thông tin năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên cả nước và đăng tải trên trang thông tin điện tử do Bộ quản lý theo quy định.
5. Thẩm định thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
6. Kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ và phối hợp với Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra đối với các công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.
7. Hướng dẫn về chi phí cho việc lập, thẩm tra và điều chỉnh quy trình bảo trì; xác định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng và hướng dẫn việc đóng góp chi phí để bảo trì đối với các công trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ; hướng dẫn phương pháp lập dự toán bảo trì công trình xây dựng và tổ chức lập, công bố các định mức xây dựng phục vụ bảo trì công trình xây dựng.
8. Kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng, đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành trong quá trình khai thác sử dụng.
9. Xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng đối với công trình hết tuổi thọ thiết kế, xử lý đối với công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng và thông báo thông tin các công trình hết thời hạn sử dụng được tiếp tục sử dụng, tạm dừng sử dụng đối với các công trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
10. Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc.
11. Tổ chức giám định chất lượng đối với các công trình xây dựng quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định này khi được yêu cầu hoặc khi phát hiện công trình có chất lượng không đảm bảo yêu cầu theo thiết kế, có nguy cơ mất an toàn chịu lực.
12. Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 49 Nghị định này đối với các công trình xây dựng quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định này.
13. Chủ trì tổ chức xét giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
14. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng năm về tình hình chất lượng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
15. Xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
16. Thực hiện các nội dung quản lý khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Trên đây là quy định về Nội dung thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật