Thời gian đi lao động ở nước ngoài có được cộng nối vào thời gian đóng BHXH bắt buộc không?

Bạn đọc từ địa chỉ email han***[email protected] hỏi: Tôi tên là Nguyễn Vinh Hà, sinh ngày 04/5/1962, trú tại ***, Hà Nội xin hỏi quý cơ quan về 2 vấn đề sau: 1. Bố tôi là ông Nguyễn Thái Ninh, sinh năm 1931, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khóa VII, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TW (nay là Ban Tuyên giáo TW) mất vào tháng 10/1993 trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư (thời điểm đó bố tôi vẫn đang công tác chưa nghỉ hưu). Thời gian công tác liên tục từ năm 1947 đến tháng 10/1993. Vậy Bố tôi có được hưởng chế độ BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH mới và Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ không? Thủ tục xin trợ cấp chế độ BHXH một lần như thế nào? 2. Tôi đi lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) từ 29/9/1981 đến 01/7/1987 theo Hiệp hợp tác quốc tế về lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHDC Đức (cũ). Trước khi đi sang Đức, tôi vừa tốt nghiệp phổ thông cấp 3 hệ 10 năm (nay là Phổ thông trung học) và được đi lao động ở Đức theo tinh thần nội dung Nghị quyết số 362/CP ngày 29/11/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc hợp tác sử dụng lao động đối với các nước xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình lao động tại CHDC Đức (cũ), tôi luôn hoàn thành tốt công viêc, không vi phạm quy định pháp luật của nước sở tại và Việt Nam, lương hàng tháng của tôi, phía Bạn (Đông Đức cũ) vẫn trích 15% lương/tháng chuyển trả cho Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong suốt thời gian đi lao động tại Đức. Sau khi về nước, tôi ở nhà hơn 1 năm (tôi chưa nhận bất kỳ chế độ trợ cấp nào của Nhà nước) và tiếp tục đi học Đại học Tổng hợp Hà Nội (Khoa Luật) đến tháng 10/1992 tốt nghiệp; Từ tháng 5/1993 đến nay công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, có thời gian đóng BHXH bắt buộc liên tục từ 1994 đến nay. Vậy xin hỏi quý cơ quan: Tôi có được nhận chế độ trợ cấp nào không? Nếu có thì thủ tục như thế nào? Về thời gian đi lao động tại CHDC Đức (cũ), tôi muốn nối vào thời gian đóng BHXH bắt buộc hiện nay có được không? Thủ tục ra sao? Rất mong nhận được sự hồi đáp của quý cơ quan. Xin chân thành cảm ơn!

Về nội dung thư của Ông, BHXH Việt Nam có ý kiến như sau:

1.  Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Trường hợp bố của Ông đã chết từ tháng 10/1993, không thuộc đối tượng quy định về hưởng BHXH một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ.

2.  Trường hợp của Ông, nếu sổ BHXH ghi nhận thời gian đóng BHXH từ năm 1994 đến nay và thời gian này chưa hưởng BHXH một lần thì thời gian đó được tính hưởng BHXH.

Về chế độ BHXH cụ thể của Ông phải căn cứ vào tuổi đời, diễn biến quá trình công tác cụ thể của Ông để trả lời. Hiện nay, BHXH Việt Nam không có thông tin đầy đủ nên chưa có căn cứ trả lời Ông.

Về thời gian Ông đi lao động tại Cộng hòa dân chủ Đức để được tính thời gian công tác thì hồ sơ phải đảm bảo theo quy định tại Điểm 3.1, Khoản 3 Điều 35 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm có:

“a) Lý lịch gốc, lý lịch bổ sung (nếu có), các giấy tờ gốc có liên quan đến thời gian làm việc, tiền lương của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quyết định tiếp nhận trở lại làm việc đối với trường hợp người lao động về nước và tiếp tục làm việc trước ngày 01/01/1995. Trường hợp không có Quyết định tiếp nhận thì được thay thế bằng Lý lịch do người lao động khai khi được tiếp nhận trở lại làm việc hoặc lý lịch của người lao động khai có xác nhận của đơn vị tiếp nhận.

b) Bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả” của Cục Hợp tác quốc tế về lao động (nay là Cục Quản lý lao động ngoài nư­ớc) cấp;

Trư­ờng hợp không còn bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả” thì phải có Giấy xác nhận về thời gian đi hợp tác lao động để giải quyết chế độ BHXH của Cục Quản lý lao động ngoài n­ước trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động (theo Mẫu số 1 và số 2 ban hành kèm theo Thông t­ư này).

c) Giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần (hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên, xuất ngũ đối với trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trong khoảng thời gian ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994) sau khi về nước của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước khi đi công tác, làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trường hợp cơ quan, đơn vị đã giải thể thì cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận”.

Đề nghị Ông đối chiếu quy định nêu trên và cung cấp hồ sơ có liên quan đến cơ quan BHXH địa phương để được trả lời cụ thể.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thời hạn đóng bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào