Quy định về nam nữ chung sống khi chưa kết hôn
Nếu hai người chưa đăng ký kết hôn mà chung sống cùng nhau, không vi phạm luật hôn nhân gia đình và chấp hành đầy đủ quy định về cư trú thì không bị coi là vi phạm pháp luật. Việc sống chung này không được khuyến khích nhưng cũng không có quy định hạn chế.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Cư trú 2006 về quyền tự do cư trú của công dân thì “Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
Quyền tự do cư trú của công dân được pháp luật bảo vệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Để bảo đảm quyền cư trú của công dân được pháp luật bảo vệ cũng như ngăn ngừa các hành vi vi phạm liên quan đến cư trú, tại Điều 8 Luật Cư trú 2006 quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.
2. Lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
3. Nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
4. Thu, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.
5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú.
6. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.
7. Lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
8. Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú.
9. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.
Người nào có một trong các hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài các hành vi bị cấm nêu trên, pháp luật còn có một số quy định khác cũng liên quan đến việc cư trú nhưng thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình là cấm người đang có vợ, có chồng mà chung sống với người khác như vợ chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng. Hành vi này tùy theo tính chất, hậu quả gây ra mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, nếu hai bạn chưa đăng ký kết hôn mà chung sống cùng phòng, cùng nhà với nhau mà không vi phạm một trong các quy định nêu và chấp hành đầy đủ các quy định về cư trú thì không bị coi là vi phạm pháp luật. Việc chung sống này mặc dù không được khuyến khích nhưng cũng không có quy định nào hạn chế.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Cư trú 2006 thì công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ về cư trú như sau:
1. Chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú.
2. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp.
3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú.
4. Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu.
5. Báo ngay với cơ quan đã đăng ký cư trú khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú bị mất hoặc bịhư hỏng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đăng ký cư trú khi nam nữ chung sống khi chưa kết hôn. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Cư trú 2006 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật