Chống đối, lăng mạ, tấn công cảnh sát giao thông thì bị xử phạt thế nào?
Đối với người đã vi phạm các quy định khi tham gia giao thông nhưng không hợp tác với người thi hành công vụ mà còn có các hành vi chống đối, lăng mạ, tấn công cảnh sát giao thông thì tùy thuộc vào mức độ mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.”
Như vậy, khi có các hành vi chống đối, sử dụng lời lẽ lăng mạ, tấn công CSGT, người đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Để hiểu rõ hơn về việc này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật