Đã trả nợ nhưng vẫn bị chủ nợ đòi thì phải làm sao?
Về việc đã trả nợ nhưng vẫn bị chủ nợ đòi pháp luật có một số quy định như sau:
Trước hết, theo quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”
Pháp luật không quy định cụ thể hình thức của hợp đồng vay tài sản, theo đó, hợp đồng có thể được hình thành bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Theo Khoản 1 Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn;”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, chồng bạn sẽ phải thực hiện việc trả nợ. Điều 424 Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định rằng, hợp đồng sẽ chấm dứt khi được hoàn thành. Có nghĩa, nếu chồng bạn đã trả đầy đủ số nợ cho bên chủ nợ thì hợp đồng vay nợ giữa chồng bạn và bên cho vay sẽ chấm dưt.
Cụ thể, như bạn nói, chồng bạn đã trả đầy đủ các khoản nợ, theo đó, hợp đồng đã chấm dứt, các bên không còn quyền và nghĩa vụ liên quan với nhau. Mặt khác, người chủ nợ không có chứng cứ gì chứng minh việc chồng bạn vẫn còn thiếu 15 triệu. Như vậy, người này sẽ không có căn cứ để khởi kiện, bởi vì khi khởi kiện, người khởi kiện phải gửi kèm theo các giấy tờ, chứng cứ có liên quan để chứng minh việc khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp theo quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Mặt khác, nếu chồng bạn vẫn còn giữ các giấy tờ liên quan đến việc trả nợ thì bên cho vay sẽ không thể đòi chồng bạn trả tiền theo quy định của pháp luật được.
Trên đây là tư vấn về cách giải quyết khi đã trả nợ nhưng vẫn bị chủ nợ đòi. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Thư Viện Pháp Luật