Lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi dụ dỗ trẻ em bỏ nhà đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi?

- Theo quy định tại Điều 1; khoản 2, Điều 3 và khoản 2, Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi; trẻ em lang thang là trẻ em rời bỏ gia đình, tự kiếm sống, nơi kiếm sống và nơi cư trú không ổn định; trẻ em cùng với gia đình đi lang thang. Việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, Điều 4 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP và Điều 10 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định: Các hành vi nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi âm, ghi hình, dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức; dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đang sinh sống cùng gia đình bỏ nhà đi lang thang sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 đến 10 triệu đồng. Hành vi bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi sẽ phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Nếu cha mẹ, người giám hộ có hành vi bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trên còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách phải tiêu hủy đối với số sách, báo, tranh, ảnh... và nộp lại số tiền có được do đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 252 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành (BLHS 1999), như sau: 1) Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Có tổ chức; b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người; c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi; d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm; 3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 252 BLHS, còn có thể bị phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào