Nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người không trực tiếp nuôi con
Đúng như bạn tìm hiểu, khoản 2 điều 82 luật hôn nhân và gia đình (HNGĐ) quy định rõ cha/ mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Mặt khác, hai bạn hiện tại đang tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình và dù trong tờ khai đã ghi là không yêu cầu cấp dưỡng nhưng trong quá trình giải quyết việc ly hôn, bạn vẫn có thể bổ sung yêu cầu về cấp dưỡng. Việc bổ sung yêu cầu cấp dưỡng được thực hiện như thế nào phụ thuộc vào từng giai đoạn giải quyết vụ việc.
Do bạn không nêu rõ hiện tại việc ly hôn đã được giải quyết đến giai đoạn nào, nhưng qua nội dung câu hỏi, bạn còn đang cân nhắc về việc đưa con đến tòa để hỏi ý kiến về việc cháu bé muốn ở với cha hay mẹ sau khi ly hôn chứng tỏ việc ly hôn chưa giải quyết xong. Cho nên, để đơn giản hóa vấn đề bạn nên thương lượng trước với chồng về vấn đề cấp dưỡng. Bởi ban đầu chồng bạn viết trong đơn là mức cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận nghĩa là chồng bạn cũng biết và cũng có y định cấp dưỡng cho con. Nên nếu các bên thỏa thuận được thì không cần thiết phải bổ sung yêu cầu.
Trường hợp không thỏa thuận được thì trong phiên hòa giải, hoặc trong thời gian 7 ngày sau khi có biên bản hòa giải đoàn tụ không thành bạn có thể bổ sung/ đưa ra yêu cầu cấp dưỡng. Lúc này việc ly hôn của bạn sẽ chuyển thành vụ án ly hôn do các bên có tranh chấp chứ không tiến hành thủ tục giải quyết việc ly hôn nữa. Theo đó thời gian giải quyết vụ án ly hôn sẽ dài hơn so với thời gian giải quyết việc ly hôn (khoảng từ 4 đến 6 tháng thay vì chỉ 27 ngày làm việc nếu chỉ giải quyết việc ly hôn).
Ngoài ra, về yêu cầu của tòa án bắt buộc đưa con chung đến tòa để hỏi ý kiến thì theo quy định tại khoản 2 điều 81 luật HNGĐ, mặc dù hai bạn đã thỏa thuận được với nhau về vấn đề người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Nhưng nếu con chung của hai bạn đã đủ 07 tuổi trở lên thì vẫn phải tôn trọng và xem xét nguyện vọng của cháu bé. Đây là thủ tục bắt buộc do vậy tòa án yêu cầu như vậy là đúng theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật