Hiệu lực của hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai, thì “Khi bên bảo đảm có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền đối với một phần hoặc toàn bộ tài sản đó. Đối với tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu mà bên bảo đảm chưa đăng ký thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền xử lý tài sản khi đến hạn xử lý.”
Do vậy, đối với trường hợp bạn hỏi, khi nhà ở hình thành trong tương lai (là tài sản thế chấp) được xây dựng xong và bàn giao cho bên thế chấp (tức là trở thành nhà ở có sẵn theo quy định của khoản 8 Điều 13 Luật Nhà ở năm 2014), thì bên nhận thế chấp vẫn có quyền đối với nhà ở đó. Trong trường hợp này, đối tượng của hợp đồng thế chấp (là tài sản bảo đảm) có sự thay đổi về trạng thái, từ trạng thái nhà ở hình thành trong tương lai sang trạng thái nhà ở có sẵn.
Để ghi nhận tình trạng thực tế của tài sản bảo đảm (có sự thay đổi từ nhà ở hình thành trong tương lai sang nhà ở có sẵn), các bên thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi theo quy định của khoản 4 Điều 12 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và điểm đ khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Thư Viện Pháp Luật