Chứng thực chữ ký trong tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được quy định tại Điều 67 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch:
Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trong trường hợp người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ, có chồng, nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết, thì phải xuất trình trích lục Bản án/Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao Giấy chứng tử. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc viên chức Lãnh sự ký và cấp cho đương sự Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu quy định). Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh là 5 ngày.
Nội dung tờ khai bạn phải nêu rõ tình trạng hôn nhân của mình và mục đích của việc yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Bạn có thể lấy mẫu Tờ khai cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, ký hiệu số TP/HT-2010-XNHN.1. Về phần khai tình trạng hôn nhân trong Tờ khai, bạn chỉ cần ghi những thông tin như: Chưa đăng ký kết hôn với ai; hoặc đã đăng ký kết hôn nhưng đã ly hôn; hoặc đã đăng ký kết hôn nhưng chồng đã chết năm…. Không cần phải ghi các thông tin như: “chưa có con chung, con riêng với bất cứ ai” như yêu cầu của Ủy ban nhân dân xã bạn.
Theo thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì người có yêu cầu phải nộp tờ khai tại Ủy ban nhân dân xã nơi thường trú. Vì bạn ở xa nên có thể viết tờ khai và yêu cầu chứng thực chữ ký ở Ủy ban nhân dân xã nơi tạm trú.
“Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký) chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
Như vậy, cơ quan chứng thực chữ ký chỉ chứng thực chữ ký đó đúng là chữ ký của bạn, còn về nội dung của giấy tờ, văn bản thì bạn phải chịu trách nhiệm.
Thư Viện Pháp Luật