Di chúc không cho phép người hưởng di sản được chuyển nhượng tài sản
Theo câu hỏi của bạn thì: ông bà bạn để lại di chúc chia thửa đất thành hai phần cho bác và bố bạn; và hai người chỉ được sử dụng để ở chứ không được chuyển nhượng cho người khác. Vậy, có hai trường hợp có thể xảy ra như sau:
* Trường hợp thứ nhất:
Di sản mà ông bà bạn để lại được coi là di sản dùng vào việc thờ cúng.
Ðiều 670 Bộ luật Dân sự quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
- Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
- Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, nếu trong di chúc ông bà bạn đã nêu rõ thửa đất đó sẽ được dùng vào việc thờ cúng và giao cho bố bạn và bác bạn quản lý thì các thừa kế của ông bà bạn không được chia thừa kế đối với di sản đó và bố và bác bạn không được quyền chuyển nhượng thửa đất đó. Cho dù có sự đồng ý của các cô và bác về việc chuyển nhượng một phần thửa đất để sửa chữa từ đường thì bác bạn cũng không được quyền chuyển nhượng.
Trong trường hợp này, sau khi bác bạn mất (bác bạn được coi là người quản lý di sản thờ cúng do người lập di chúc chỉ định) thì phần di sản mà bác bạn quản lý sẽ được giao cho bố bạn (với tư cách là người được ông bà nội bạn chỉ định quản lý di sản theo di chúc) tiếp tục quản lý hoặc được các đồng thừa kế theo pháp luật của ông bà bạn thỏa thuận giao cho một người quản lý.
* Trường hợp thứ hai:
Di chúc của ông bà bạn không nêu rõ sẽ sử dụng thửa đất đó vào việc thờ cúng mà chỉ có nguyện vọng bố và bác bạn sẽ giữ lại mảnh đất của gia đình, không chuyển nhượng cho người khác. Nếu đúng theo ý nguyện của ông bà bạn theo di chúc thì bố và bác bạn không được quyền chuyển nhượng thửa đất đó.
Tuy nhiên, trên thực tế thì không có cơ chế nào để kiểm soát việc những người thừa kế có thực hiện theo đúng ý nguyện của người lập di chúc hay không. Vì, sau khi ông bà bạn mất, bố và bác bạn có thể làm thủ tục theo quy định của pháp luật để đăng ký sang tên quyền sử dụng đối với phần thửa đất được nhận theo di chúc; và sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bố và bác bạn có toàn quyền của chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền chuyển nhượng thửa đất.
Hơn nữa, việc chuyển nhượng một phần thửa đất của bác bạn cũng có thể coi là hợp lý hợp tình vì đã có sự đồng ý của các cô bác khác (những đồng thừa kế theo pháp luật của ông bà bạn) và mục đích chuyển nhượng là để sửa chữa lại từ đường. Vì vậy, các đồng thừa kế có thể thỏa thuận về việc đồng ý chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất nêu trên để sửa chữa từ đường.
Trong trường hợp này, nếu bác bạn đã làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất đối với phần thửa đất được nhận thừa kế theo di chúc thì sau khi bác mất, quyền sử dụng đất nêu trên sẽ trở thành di sản thừa kế do bác để lại và được chia cho những người thừa kế theo di chúc của bác (nếu có di chúc) hoặc theo pháp luật của bác).
Vậy bạn có thể xem kỹ lại di chúc mà ông bà bạn để lại để xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của bố và bác bạn đối với thửa đất nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật