Di chúc theo bản đính kèm có hợp pháp không?
Vì bạn gửi bản đính kèm nên chúng tôi tóm tắt nội dung di chúc như sau: Ngày 30/01/1996 bố mẹ bạn lập di chúc với nội dung: định đoạt tài sản cho con gái là Đ.T.B và con trai là Đ.L.Q. Người được ủy quyền để viết di chúc này là bà Đ.T.B. Bố mẹ bạn và bà Đ.T.B (với tư cách là người viết theo ủy quyền) đã cùng ký tên vào cuối bản di chúc. Di chúc được phòng công chứng huyện chứng thực.
Theo bản đính kèm và theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn những vấn đề mà bạn hỏi như sau:
Di chúc được bố mẹ bạn lập vào ngày 30/01/1996 nên việc lập di chúc được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990.
1. Về việc trong di chúc, bố mẹ bạn chỉ chia tài sản cho 2 trong số 9 người con
Điều 10, Điều 11 Pháp lệnh thừa kế quy định về quyền lập di chúc như sau: Công dân có quyền lập di chúc để chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho một hoặc nhiều người trong hoặc ngoài các hàng thừa kế theo pháp luật, cũng như cho Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế. Khi lập di chúc người có tài sản có quyền:
- Chỉ định người thừa kế;
- Phân định tài sản cho người thừa kế;
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
- Truất quyền hưởng di sản của một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật mà không nhất thiết phải nêu lý do.
Như vậy, về mặt nội dung di chúc, việc bố mẹ bạn chỉ chia tài sản cho 2 người con mà không chia cho tất cả 9 người con là không trái với quy định của pháp luật. Việc chia cho ai, không chia cho ai, chia như thế nào là quyền của bố mẹ bạn.
2. Về việc mẹ bạn không biết chữ (theo thông tin của bạn) nhưng vẫn ký vào di chúc và vấn đề tính hợp pháp của di chúc
Di chúc hợp pháp theo quy định của pháp lệnh thừa kế là di chúc do người từ đủ mười tám tuổi trở lên tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.
Nội dung bản di chúc (Điều 13 Pháp lệnh thừa kế): Ngoài những nội dung theo quy định thì trong bản di chúc phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Hình thức di chúc (Điều 14 Pháp lệnh thừa kế): Người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc. Người lập di chúc có thể tự viết hoặc nhờ người khác viết bản di chúc, nhưng người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được, thì phải nhờ người chứng kiến. Người chứng kiến đọc bản di chúc cho người lập di chúc nghe và ký vào bản di chúc trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Từ những quy định trên, di chúc do bố mẹ bạn có hai vấn đề như sau:
* Vấn đề thứ nhất: Nếu đúng như bạn thông tin là mẹ bạn không biết chữ thì việc mẹ bạn ký ở cuối bản di chúc có thể không phải là chữ ký của bà. Bạn có thể yêu cầu tổ chức giám định để giám định chữ ký này xem đúng là chữ ký của mẹ bạn hay không.
* Vấn đề thứ hai: Nếu mẹ bạn không đọc bản di chúc được, không ký được (trường hợp bà không biết chữ) thì phải nhờ người chứng kiến. Người chứng kiến sẽ phải ký vào bản di chúc trước mặt người có thẩm quyền công chứng huyện nơi bố mẹ bạn lập di chúc. Nhưng trong bản di chúc mà bạn gửi file đính kèm thì không có chữ ký của người chứng kiến. Nếu coi bà Đ.T.B là người chứng kiến việc lập di chúc của bố mẹ bạn là sai so với quy định vì bà Đ.T.B là con (thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn) nên không được chứng kiến việc lập di chúc của bố mẹ. Cụ thể Điều 19 Pháp lệnh thừa kế nêu: Người không được chứng thực, xác nhận di chúc, chứng kiến việc chứng thực di chúc là:
- Người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người nào thì không được chứng thực hoặc xác nhận di chúc của người đó.
- Người dưới mười sáu tuổi, người không minh mẫn không được làm người chứng kiến việc chứng thực di chúc.
Nếu mẹ bạn không biết chữ thì di chúc nêu trên có thể đã vi phạm quy định của pháp luật về tính hợp pháp trong việc lập di chúc. Từ những quy định và những vấn đề mà chúng tôi đưa ra ở trên bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về việc này.
Thư Viện Pháp Luật