Xác định giá trị tài sản để kê biên
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự” về áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án thì Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về việc xác định tài sản tương ứng với với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết trước khi kê biên tài sản. Vì vậy, Chấp hành viên cần tính toán, ước lượng về giá trị tài sản đó trên cơ sở khả năng phán đoán của mình từ việc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, giá cả thị trường tại thời điểm đó và các yếu tố cần thiết khác để xác định giá của tài sản. Sau khi kê biên mới tiến hành định giá tài sản để xác định giá khởi điểm. Sau khi bán đấu giá mới xác định được giá của tài sản đã kê biên. Do đó, Chấp hành viên phải cân nhắc để quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với tài sản cầm, thế chấp, Chấp hành viên có thể căn cứ vào giá đã thẩm định tài sản của bên nhận cầm cố, thế chấp; khoản tiền vay và lãi phải trả; sự biến động về giá của tài sản cầm cố, thế chấp… để xác định giá của tài sản và chỉ được kê biên khi có đủ căn cứ và điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Thư Viện Pháp Luật