Quy định của pháp luật về Bồi thường oan sai
Căn cứ vào các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự thì ông bị khởi tố, bắt giam oan sai. Như vậy ông thuộc diện được bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) số 35/2009/QH12 và Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT- VKSNDTC- TANDTC- BCA- BTP- BQP- BTC- BNN&PTNT ngày 02 tháng 11 năm 2012.
1. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường:
Theo Khoản 2 Điều 31 luật TNBTCNN quy định: “ Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
…Đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”;
Và tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 thông tư 05/TTLT ngày 02 tháng 11 năm 2012 quy định: “ Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: a) Các trường hợp qui định tại điều 31 luật TNBTCNN.
Như vậy cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp của ông là VKSND tỉnh Đồng Nai.
2. Các thiệt hại được bồi thường
Trong trường hợp này, ông là Giám đốc đại diện cho pháp nhân một Công ty, ngoài các thiệt hại trực tiếp của cá nhân còn có các thiệt hại của Công ty do không sử dụng tài sản và ngừng trệ sản xuất, trong thời gian ông bị tạm giam, số tiền bồi thường được tính như sau:
1.Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định tại các Khoản 1,2,3 và 4 Điều 45 luật TNBTCNN bao gồm: Tài sản bị phát mại, bị mất, bị hư hỏng, thiệt hại phát sinh do không sử dụng tài sản, các khoản tiền đã nộp vào ngân sách theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Tại Khoản 1 Điều 46 luật TNBTCNN quy định: “ cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thực tế”. Như vậy cá nhân ông được bồi thường các khoản thu nhập thực tế như tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp và thu nhập thường xuyên khác..vv..Công ty được bồi thường khoản thu nhập sau thuế.
3.Thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Tại Khoản 2 Điều 47 Luật TNBTCNN quy định: “Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam…” Như vậy ông được bồi thường thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam và thời gian tại ngoại. Số tiền bồi thường được tính như sau: (Tiền lương cơ bản 01 ngày theo vùng của công chức hành chính) x {( số ngày tạm giữ, tạm giam x 3) + số ngày tại ngoại}. Ngoài ra nếu có căn cứ hồ sơ bệnh án xác định sức khỏe ông bị tổn hại trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ, bồi thường nhưng không quá 30 tháng lương tối thiểu.
4. Trả lại tài sản. Tại Điều 50 luật TNBTCNN quy định: “ Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ”. Như vậy các tài sản của nhà máy đã bị bàn giao trái pháp luật phải được trả lại ngay khi có quyết định đình chỉ vụ án vì ông không có tội.
Ngoài các nội dung bồi thường thiệt hại nêu trên. Nếu thấy cần thiết ông có thể gửi đơn đến VKSND tỉnh A yêu cầu phục hồi danh dự. Chi tiết được quy định tại Điều 51 Luật TNBTCNN.
Thư Viện Pháp Luật