Việc xuất trình Giấy chứng tử của vợ cũ khi đăng ký kết hôn lần thứ hai
Trong vụ việc này, việc cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn Y buộc anh Mồng phải bổ sung Giấy chứng tử của vợ cũ vào hồ sơ đăng ký kết hôn là yêu cầu ngoài quy định của pháp luật về hộ tịch. Áp dụng quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì có thể thấy hồ sơ đăng ký kết hôn của anh Mồng và chị Vần, nếu đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân thị trấn Y, nơi chị Vần cư trú chỉ gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký kết hôn của anh Mồng và chị Vần;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của anh Mồng do Uỷ ban nhân dân xã X, nơi anh Mồng cư trú cấp;
- Giấy chứng minh nhân dân của anh Mồng và chị Vần.
Trong trường hợp không biết rõ về nhân thân và nơi cư trú của chị Vần thì cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn Y có thể yêu cầu xuất trình thêm Sổ hộ khẩu của chị Vần. Ngoài các giấy tờ này, cơ quan đăng ký hộ tịch không thể yêu cầu đương sự phải nộp hoặc xuất trình thêm giấy tờ nào khác.
Đối với cán bộ tư pháp - hộ tịch, khi thụ lý hồ sơ đăng ký kết hôn, mặc dù việc xem xét, khẳng định về tình trạng độc thân của đương sự là rất cần thiết và quan trọng nhưng trong trường hợp này, tình trạng hôn nhân của anh Mồng đã được khẳng định qua Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Uỷ ban nhân dân xã X, nơi anh cư trú cấp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì khi anh Mồng làm thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì anh Mồng đã phải xuất trình bản sao Giấy chứng tử của vợ cũ để làm cơ sở để Uỷ ban nhân dân xã X cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh. Do đó, khi thụ lý hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu trong hồ sơ đã có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của anh Mồng do Uỷ ban nhân dân xã X cấp thì cán bộ tư pháp - hộ tịch không được yêu cầu đương sự phải bổ sung Giấy chứng tử của vợ cũ vào hồ sơ đăng ký kết hôn nữa.
Thư Viện Pháp Luật