Hoà giải tranh chấp đất đai
Trong trường hợp này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã tiếp tục thực hiện chức năng Chủ tịch Hội đồng hòa giải để giải quyết vấn đề phát sinh từ việc ông Trung thay đổi ý kiến, không tự nguyện thực hiện cam kết trong biên bản hoà giải thành. Theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai năm 2003, Nhà nước khuyến khích việc hoà giải tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân, cộng đồng dân cư. Việc tổ chức hoà giải bắt đầu từ cơ sở, tức là từ cộng đồng dân cư, tổ dân phố. Nếu việc hoà giải ở đây không có kết quả thì người tranh chấp làm đơn đến UBND xã để được hoà giải. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn, UBND xã có trách nhiệm tổ chức hoà giải công khai tại trụ sở UBND. Kết quả hoà giải thể hiện bằng biên bản hoà giải thành hoặc không thành. Sau khi đã hoà giải tại UBND xã không đạt kết quả thì người tranh chấp mới có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp hoặc cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 để giải quyết. Cần phải hiểu rằng, thủ tục hoà giải tại UBND xã là một thủ tục tiền tố tụng, có tính bắt buộc.
Với vụ việc nêu trên, ông Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Hội đồng hòa giải cần có một trong hai hướng giải quyết tiếp sau đây:
- Thứ nhất, nếu việc hoà giải đã được tổ chức trong khuôn khổ 30 ngày theo luật định mà người được hoà giải đã thống nhất với kết quả hoà giải này nhưng sau đó thay đổi quan điểm, không chấp nhận thực hiện cam kết trong biên bản hoà giải và vẫn còn thời hạn để thực hiện hoà giải thì Hội đồng hoà giải tiếp tục tổ chức hoà giải. Nếu việc tiến hành hoà giải sau đó không đạt kết quả thì lập biên bản mới và hướng dẫn các bên tranh chấp yêu cầu TAND hoặc UBND giải quyết theo thẩm quyền được quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003.
- Thứ hai, nếu đã hết thời hạn 30 ngày và người đã được hoà giải cương quyết không công nhận kết quả hoà giải thì họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Toà án hoặc UBND cấp huyện) giải quyết theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003.
Thư Viện Pháp Luật