Không được khai nhận thừa kế vì có đơn tranh chấp của người con nuôi
Trước hết, cần xác định quyền thừa kế của người con nuôi đối với di sản do chị bạn để lại:
- Trường hợp thứ nhất: Nếu chị bạn để lại di chúc định đoạt tài sản của mình mà trong nội dung di chúc có chỉ định cho người con nuôi đó được hưởng di sản thì đương nhiên người đó được hưởng thừa kế theo di chúc. Nếu trong di chúc không chỉ định cho người con nuôi thì người đó không được thừa kế theo di chúc.
- Trường hợp thứ hai: Nếu chị bạn không để lại di chúc thì di sản được chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế được xác định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự:
“Ðiều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Như vậy, pháp luật Việt Nam công nhận quyền thừa kế của con nuôi đối với di sản do người nuôi để lại, việc thừa kế không phân biệt con đẻ hay con nuôi. Tuy nhiên, việc nuôi con nuôi phải được sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này không chỉ đến Luật Hôn nhân và gia đình 2000 mới được quy định (Điều 72: việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch) mà đã được quy định trong các văn bản luật trước đây. Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: “Việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”. Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 cũng quy định: “Việc cử người đỡ đầu (người nuôi con nuôi) do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận”.
Đối chiếu với những quy định trên thì dù đã nhận con nuôi nhưng do không có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương nên việc nhận con nuôi của chị bạn chưa được công nhận theo quy định của pháp luật. Do vậy, người con nuôi không có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản mà chị bạn để lại, và người đó không thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự.
Như vậy, người con nuôi không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình… Đối với đơn tranh chấp của người con nuôi mà đơn này không có căn cứ (ví dụ như khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của người con nuôi đó) thì những người thừa kế của chị bạn vẫn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Nếu đơn này có căn cứ thì bạn cần yêu cầu UBND xã sớm giải quyết. Trường hợp UBND xã không giải quyết đồng thời cũng không cho gia đình bạn làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì gia đình có thể làm đơn khiếu nại lên UBND cấp huyện để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật