Giả mạo chữ ký của chồng để chuyển quyền sở hữu tài sản chung
Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung vợ chồng như sau:
- Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
- Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng.
- Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
Ngôi nhà mà bạn đã chuyển quyền sở hữu cho con là tài sản chung của vợ chồng bạn nên theo quy định tại Điều 28 nêu trên, việc định đoạt, thực hiện các giao dịch liên quan đến ngôi nhà phải được cả hai vợ chồng thỏa thuận, bàn bạc và cùng thực hiện. Tuy nhiên, khi thực hiện việc chuyển quyền sở hữu ngôi nhà, bạn đã không thỏa thuận với chồng bạn, không được sự đồng ý của chồng bạn, thậm chí đã giả mạo chữ ký của chồng bạn để thực hiện việc chuyển quyền đó. Đây có thể bị coi là hành vi gian dối, có mục đích chiếm đoạt tài sản của chồng bạn. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Khoản 1 Điều 139 quy định như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Các khoản 2, 3, 4 Điều 139 còn quy định các tình tiết định khung tăng nặng với mức hình phạt cao hơn.
Thư Viện Pháp Luật