Cam kết trước khi kết hôn
Khi tiến hành một giao dịch, bạn cần tuân thủ những quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 122 Bộ luật Dân sự:
- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
+ Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
+ Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
- Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, chúng tôi cho rằng, việc thỏa thuận nội dung “nếu chồng bạn không chung thủy thì...” là không phù hợp với quy định của pháp luật cũng như đạo đức xã hội nên không thể thực hiện và không công chứng được. Mặc dù, trong xã hội hiện nay, việc vợ chồng không chung thủy là vấn đề không khó xảy ra nhưng pháp luật Việt Nam đã quy định rõ: Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững (Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình về tình nghĩa vợ chồng). Hơn nữa, đây còn là vấn đề về đạo đức xã hội, khi đăng ký kết hôn, vợ chồng bạn phải có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng, vun đắp cuộc sống gia đình bền chặt, hạnh phúc, chứ không phải là lo lắng việc người này hay người kia không chung thủy.
Đối với mong muốn được nuôi con và hưởng toàn bộ tài sản của bạn: Trong trường hợp xảy ra các vấn đề (tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt) dẫn đến hai vợ chồng bạn ly hôn thì bạn có thể thỏa thuận với chồng bạn để đạt được mong muốn này. Nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể đề xuất nguyện vọng của mình về việc nuôi các con và được hưởng toàn bộ tài sản chung vợ chồng tại Tòa án khi giải quyết ly hôn. Tòa án sẽ xem xét tới nguyện vọng của hai bên, sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng để quyết định vấn đề này. Luật Hôn nhân và gia đình cũng có quy định vấn đề này như sau:
- Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:
+ Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
+ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
- Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn:
+ Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
+ Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
+ Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật