Chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động tự ý bỏ việc
Căn cứ khoản 3 Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 thì người lao động tự ý nghỉ việc bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải nếu:
"3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp được quy định trong nội quy lao động."
Theo Điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động năm 2012 thì:
"1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
2. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau:
a) Do thiên tai, hỏa hoạn;
b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
c) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động."
Như vậy, Công ty bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động đối với những công nhân tự ý nghỉ việc thì phải đủ có căn cứ sau:
- Những công nhân lao động đã tự ý nghỉ việc 5 ngày trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày nghỉ đầu tiên, hoặc 20 ngày trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày nghỉ đầu tiên
- Không có lý do chính đáng: theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và theo quy định của nội quy lao động.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, theo Khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động 2012, “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.”
Nếu người lao động nữ có làm tạm hoãn hợp đồng lao động được cơ sở y tế chỉ định thì sau 15 ngày kể từ ngày phải đi làm lại mà không có mặt thì người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, và phải báo trước ít nhất 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và ít nhất 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn (khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012).
Về việc yêu cầu người lao động hoàn trả phí đào tạo:
Khoản 3 Điều 43 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này, bao gồm: các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học.
Vì vậy, nếu trong Hợp đồng với người lao động có thỏa thuận về việc đào tạo nghề, trách nhiệm hoàn trả phí đào tạo, Công ty bạn có quyền yêu cầu người lao động tự ý bỏ việc hoàn trả chi phí đào tạo ban đầu.
Thư Viện Pháp Luật