Lập di chúc có cần sự đồng ý của các con?
Di chúc là sự thể hiện ý kiến cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên, ông bà phải xác định quyền sử dụng đất này là của cá nhân (ông bà) hay của hộ gia đình.
- Nếu đất cấp cho hộ gia đình, thường là cha hoặc mẹ đại điện đứng tên (hộ ông bà) thì quyền sử dụng đất (QSDĐ) là tài sản chung của các thành viên trong gia đình. Do vậy, thành viên trong hộ gia đình chỉ được để thừa kế theo di chúc đối với QSDĐ của mình, chứ không được để thừa kế toàn bộ QSDĐ đất của hộ gia đình. Tuy nhiên, từng thành viên của gia đình có chung QSDĐ được uỷ nhiệm cho người đại diện của hộ gia đình để thực hiện quyền thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự. Khi ông bà lập di chúc phải có văn bản đồng ý của tất cả các thành viên (từ đủ 15 tuổi trở lên) của hộ gia đình, kèm theo là giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (nếu có) đã cấp cho hộ gia đình. Văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực.
- Nếu đất cấp cho cá nhân (ông, bà) thì ông bà có toàn quyền lập di chúc mà không cần hỏi ý kiến hay sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình theo quy định của pháp luật về thừa kế của Bộ luật Dân sự. Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Như vậy, ông bà có toàn quyền lập di chúc chung của vợ chồng trong trường hợp đất là của cá nhân ông bà; ngược lại nếu đất là của hộ gia đình thì phải được sự đồng ý của các con bằng văn bản theo hướng dẫn trên.
Thư Viện Pháp Luật