Việt kiều có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Luật nhà ở 2014 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã có rất nhiều thay đổi tích cực, thông thoáng hơn cho cơ chế. Luật nhà ở 2014 là một trong những chính sách của chính phủ Việt Nam để áp dụng và phát triển nguyên tắc không phân biệt đối xử. Các quy định mới không những sẽ xóa đi những rào cản ban đầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Bất động sản, mà sẽ còn là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực khác. Trong những thay đổi đó, điểm nổi bật nhất của Luật nhà ở 2014 là quy định người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thứ nhất, Điều 7 của Luật Nhà ở 2014 có quy định:
“Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1.Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này”.
Ngoài ra, theo Luật Nhà ở 2014 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Và quy định duy nhất còn hạn chế đối với người nước ngoài là thời hạn sở hữu không quá 50 năm và số lượng bất động sản được sở hữu tối đa trong một tòa nhà chung cư.
Thứ hai, điểm d Khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở như sau:
“Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”.
Như vậy, đối với trường hợp của anh, anh hoàn toàn có đủ điều kiện để sở hữu nhà tại Việt Nam cũng như có quyền được cho thuê lại ngôi nhà mà anh sở hữu. Chúc anh sớm đạt được mong muốn của mình.
Thư Viện Pháp Luật