Đi ăn nhậu làm vỡ cái chum có phạm tội hủy hoại tài sản?
Chào bạn, như bạn đã trình bày, hành vi làm vỡ chum của bạn chỉ là hành vi bất cẩn và không có chủ đích. Bạn không hề mong muốn cái chum vỡ mà chỉ vô tình trong quá trình đi lại lúc đã ăn uống xong với bạn bè.
Mặt khác, ở đây bạn đến quán ăn với tư cách là khách hàng. Theo tập quán kinh doanh thì khách hàng phải được đối xử như "thượng đế", việc một khách hàng lỡ tay làm vỡ vật dụng, đồ trang trí trong một nhà hàng là điều khá bình thường. Chủ nhà hàng không nên quá nặng nề với bạn.
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 143 Bộ Luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) thì "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng ………thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Một trong những dấu hiệu quan trọng của loại tội phạm này là động cơ, mục đích và lỗi. Trong khi việc bạn làm vỡ chiếc bình ở nhà hàng là do bất cẩn. Bạn không có mục đích từ trước là hủy hoại tài sản của nhà hàng. Nên vụ việc trên của bạn không có dấu hiệu hình sự. Đây chỉ là quan hệ dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Theo đó, bạn sẽ phải có trách nhiệm bồi thường giá trị của cái chum bạn làm vỡ. Việc bồi thường sẽ ưu tiên các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được có thể nhờ Tòa án giải quyết. Thông qua việc giám định sẽ biết chính xác giá trị cái chum là bao nhiêu và lấy đó làm căn cứ bồi thường thiệt hại.
Thư Viện Pháp Luật