Chấm dứt lao động đối với người lao động bị phạt tù

Một người lao động ở công ty tôi bị bắt giam vào tháng 2-2015. Công ty có làm quyết định tạm hoãn hợp đồng lao động từ tháng 2-2015 đến tháng 4-2015. Từ khi người lao động bị bắt giam, công ty không có thông tin gì về người lao động này dù công ty đã nhiều lần liên hệ với công an để xin quyết định tạm giam giữ điều tra. Tháng 10-2015, gia đình người lao động có liên hệ công ty và xin chấm dứt hợp đồng lao động do đã có bản án của tòa tuyên án giam 3,6 năm, ký vào ngày 9-10-2015. Như vậy, công ty tôi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động từ thời điểm nào: khi kết thúc tạm hoãn 4-2015 hay khi có bản án 9-10-2015? Rất mong được tư vấn.

Căn cứ theo quy định tại Điều 62, Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động được quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Theo quy định tại Khoản 5, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động được quyền ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 240, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Điều 234, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định về thời hạn kháng cáo, kháng nghị như sau:

1. Thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

Thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án.

2. Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.

Nếu bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị thì thời điểm có hiệu lực pháp luật nên được tính là sau ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án. Nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 248, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Do đó, công ty bạn chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động tính từ thời điểm sau 30 ngày kể từ ngày tuyên bản án sơ thẩm nếu không có kháng cáo, kháng nghị; hoặc tính từ ngày tuyên bản án phúc thẩm.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào