Em ký hợp đồng lao động 1 năm với công ty tới hết năm 2016. Người ký hợp đồng với em là giám đốc, tuy nhiên gần đây trưởng phòng của em bỗng dưng gửi email thông báo cho em nghỉ việc luôn ngày hôm sau. Em được biết là việc thông báo cho nghỉ việc qua email là không được chấp nhận. Và nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì công ty bắt buộc phải nhận em vào làm việc, trả lương cho em trong những ngày không đi làm cộng với 2 tháng lương và phụ cấp. Em cũng không bị kỉ luật gì, cũng như thường xuyên phải tăng ca (có chấm vân tay) mà không hề được tính lương thêm. Khi cho nghỉ việc, công ty ép viết đơn xin thôi việc nhưng em không chịu và đòi đền bù vì công ty làm sai luật, thì sáng hôm sau trưởng phòng lại gọi em đi làm. Em đề nghị được gặp mặt để nói rõ về việc này thì luôn tránh mặt (kể từ thời điểm cho em nghỉ việc chưa hề liên lạc với em về việc giải quyết hợp đồng). Em có đề nghị đền bù và tính lương cho em trong những ngày em không đi làm thì từ chối không chi trả. Bởi vậy, em không đi làm và công ty khép em vào việc “tự ý nghỉ việc”. Bên hành chính nhân sự nói trưởng phòng em không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nên việc này là không đúng. Công ty không phải đền bù gì hết. Em bắt buộc phải đi làm trở lại và thời gian em nghỉ, không đi làm sẽ không được tính lương. Xin được bổ sung thêm là hiện công ty đang lấy lý do em không đi làm trong khoảng 10 ngày qua để làm lý do sa thải, như vậy có được chấp nhận không ạ? Công ty em nói như vậy có đúng không? Vậy bây giờ em muốn kiện ra tòa được không?
Có thể nói ngay thế này, cách hành xử của bạn chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; từ đó đã thay đổi bản chất, từ người bị thiệt hại do hành vi của trưởng phòng của bạn, bạn đã trở thành người có lỗi khi tự ý nghỉ việc không lý do. Bạn lưu ý là, căn cứ theo Khoản 3, Ðiều 126, Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Do đó, về nguyên tắc, công ty bạn hoàn toàn có quyền áp dụng lý do bạn tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng mà không có lý do chính đáng (không đi làm trong khoảng 10 ngày) để làm căn cứ ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải.
Ðể khắc phục ngay chuyện này, bạn cần làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến Phòng LÐ-TBXH nơi công ty bạn có trụ sở, trong đó trình bày rõ về việc trưởng phòng của bạn luôn tránh mặt, không gặp để giải quyết vấn đề cho nghỉ việc, kèm theo email của trưởng phòng thông báo cho bạn nghỉ việc.