Không xử lý kỷ luật với lao động nuôi con dưới 12 tháng
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, cả hai hướng xử lý kỷ luật của công ty được thực hiện tại thời điểm hiện tại đều không hợp pháp bởi vì căn cứ theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 123, Bộ luật Lao động năm 2012 về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Hơn nữa, dù rằng nội quy lao động có quy định việc vi phạm quy trình giao tiếp khách hàng sẽ bị sa thải, nhưng quy định này trái pháp luật. Điều 126, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
3. Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Nếu không thuộc những trường hợp nêu trên, người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Bộ luật Lao động năm 2012 nhấn mạnh không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động, nhưng điều này không đồng nghĩa rằng, nếu nội quy lao động có quy định về hành vi vi phạm thì người sử dụng lao động được quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Thư Viện Pháp Luật