Chuyển nhượng chồng 50 triệu đồng, có tội không?
Theo nội dung vụ án, ở đây có hai sự việc cần xem xét về mặt pháp lý. Đó là sự việc 3 người, gồm bà Nhị, bà Hiền và ông Thương thỏa thuận về quan hệ với ông Thương và việc bà Hiền kiện đòi số tiền 50 triệu đồng.
Về việc ba người thỏa thuận về mối quan hệ với ông Thương, xét về mặt pháp lý, ở đây có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) 2014 quy định: Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Luật HNGĐ quy định tại khoản 1c điều 5: Nghiêm cấm: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Ông Thương đang có vợ có kết hôn là bà Nhị lại chung sống với bà Hiền là vi phạm khoản 1c điều 5 Luật HNGĐ.
Việc bà Nhị, do không ngăn cản được việc ông Thương sang sống với bà Hiền, chấp nhận không đánh ghen, không xúc phạm bà Hiền mà không tố cáo trước các cơ quan chức năng là việc làm sai, thiếu trách nhiệm với gia đình mình và các con cái, tuy không vi phạm pháp luật, nhưng về mặt đạo đức cũng cần lên án. Tuy nhiên việc nhận 50 triệu đồng của bà Hiền lại là một việc phải xem xét kỹ lưỡng. Nếu đây là khoản tiền “hỗ trợ” bà Nhị chăm sóc con cái và cả mẹ ông Thương nữa thì việc nhận tiền chỉ là sự cảm thông giữa các phụ nữ trong hoàn cảnh éo le, không vi phạm pháp luật.
Thậm chí đây có thể coi là một nghĩa cử của bà Hiền. Lẽ ra ngay sau đó, bà Nhị và ông Thương cần tiến hành các thủ tục pháp lý để ly dị, sau đó, ông Thương kết hôn với bà Hiền, mọi việc sẽ đúng các quy định pháp luật. Nhưng nếu bà Nhị yêu cầu bà Hiền phải trả 50 triệu đồng để nhường ông Thương cho bà Hiền, không tiếp tục đánh ghen nữa, thì đó lại là một hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 135. Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì phạm tội Cưỡng đoạt tài sản và bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Về vụ kiện đòi tiền của Bà Hiền, có thể thấy đây là một vụ tranh chấp tài sản và tòa án thụ lý là đúng. Tuy nhiên, nếu tòa án xử lý lần thứ nhất xem xét hủy giao dịch không đánh ghen và nhận 50 triệu đồng vì giao ước này vi phạm pháp luật, trái với các tiêu chuẩn đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục và yêu cầu bà Nhị trả số tiền đã nhận cho bà Hiền thì sẽ không có vụ kiện thứ hai.
Cũng cần xem xét giấy thỏa thuận ba bên giữa bà Nhị, bà Hiền, ông Thương để làm rõ 50 triệu đồng bà Hiền đưa cho bà Nhị là khoản tiền bà Hiền tặng cho bà Nhị để “bù đắp tổn thất tinh thần” hay là khoản tiền bà Hiền cho bà Nhị vay. Theo đó, toà án cấp phúc thẩm cần tổ chức giám định lại giấy thỏa thuận ba bên để xác định sự thật của vụ án. Kết thúc vụ kiện thứ nhất, các bên đã hòa giải thành, ông Thương cam kết trả tiền cho bà Hiền, Bà Hiền cũng đồng ý như vậy.
Vì vậy tôi đồng ý với một bạn đọc: “Do đó, bà Hiền không có quyền khởi kiện bà Nhị trong lần khởi kiện thứ hai, trừ trường hợp số tiền khởi kiện lần 2 là một giao dịch khác lần khởi kiện thứ nhất. Tòa án có thể đối chiếu văn bản thỏa thuận giữa bà Hiền, ông Thương, bà Nhị trong hai vụ kiện sẽ xác định được bản chất sự việc”.
Câu chuyện này cũng là một lời cảnh báo đối với những người đang có các quan hệ ngoài vợ chồng. Cơ sở của một mối quan hệ, một gia đình bền vững là sự chung thủy và tôn trọng lẫn nhau. Nếu nghĩ rằng người vợ hay người chồng là “vật sở hữu” của mình và mình có thể nhượng lại cho người khác thì không đúng. Hậu quả của việc này không chỉ với những người lớn mà còn đối với những đứa trẻ trong gia đình.
Thư Viện Pháp Luật