Đâm sập cầu Ghềnh, ai phải chịu trách nhiệm hình sự?
Qua lời khai ban đầu của các đối tượng đã xác định được chủ tàu cũng là lái tàu chính Phan Thế Thượng là người điều khiển tàu đẩy mang số hiệu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 đi từ tỉnh Tiền Giang đến TP Biên Hòa.
Trên đường đi, do có việc riêng nên Phan Thế Thượng đã giao lại cho Giang và Lẹ điều khiển tiếp tục đưa sà lan đến cầu Ghềnh thì xảy ra vụ việc. Như vậy, Giang và Lẹ là 2 người làm thuê, giúp việc cho Phan Thế Thượng trong việc lái tàu đẩy sà lan. Phan Thế Thượng biết Giang và Lẹ không có Giấy phép lái tàu (bằng lái) mà vẫn giao cho điều khiển phương tiện trên sông là hành vi rất nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc an toàn giao thông đường thủy được quy định tại Điều 8, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004.
Các hành bị cấm “Bố trí thuyền viên không đủ định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp”. Thiệt hại xảy ra trong vụ việc này đặc biệt lớn về tài sản là do việc Phan Thế Thượng đã giao cho Giang và Lẹ không đủ điều kiện để lái tàu đẩy sà lan.
Do đó, hành vi của Phan Thế Thượng đã phạm tội Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 215, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với lái tàu Trần Văn Giang, do Giang và Lẹ không có kinh nghiệm lái tàu và không có bằng lái để có thể hiểu các quy tắc điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nên điều khiển chủ yếu bằng khả năng của bản thân tự nhận biết được qua công việc phụ giúp cho lái tàu chính. Khi xảy ra sự cố gặp dòng nước xoáy, cả hai đã không điều khiển được sà lan theo ý muốn chui qua gầm cầu nên đã đâm vào cầu gây sập nhịp 2 và nhịp 3 (trong đó, nhịp 3 chìm xuống sông).
Trần Văn Giang là người trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra sự cố nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 212, Bộ luật Hình sự. Để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 212, Bộ luật Hình sự thì cần phải xác định cụ thể hành vi của người điều khiển phương tiện đã vi phạm quy định Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của trong cấu thành của tội phạm này.
Hành vi vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tài sản của người khác. Trong vụ việc này, căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa, lỗi của người lái phương tiện đã vi phạm Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa (Điều 4) và Phương tiện đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống (Điều 43).
Giá trị thiệt hại sẽ được cơ quan giám định đánh giá mức độ thiệt hại để làm căn cứ xử lý người điều khiển phương tiện. Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-8-2013 Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội Xâm phạm trật tự, an toàn giao thông quy định tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3, Điều 212, Bộ luật hình sự: “Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên”.
Căn cứ theo Điều 212, Bộ luật Hình sự, Trần Văn Giang có thể chịu hình phạt mức cao nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với Nguyễn Văn Lẹ, tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212, Bộ luật Hình sự đã quy định chỉ xử lý người nào trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (người lái) vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng. Người phụ giúp lái tàu đẩy sà lan như hoa tiêu hướng dẫn chỉ đường không phạm tội.
Bởi lẽ, tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy là loại tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Do đó, người giúp sức cho lái tàu đẩy sà lan có lỗi thì cũng không thể xử lý về hành vi đồng phạm giúp sức với lái tàu về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện theo Điều 212, Bộ luật Hình sự.
Điều 20, Bộ luật Hình sự quy đinh về đồng phạm: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Do vậy, trong vụ việc này phụ lái Trần Văn Lẹ không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện theo Điều 212, Bộ luật Hình sự.
Thư Viện Pháp Luật