Kết thúc HĐLĐ với cán bộ công đoàn không chuyên trách.

HĐLĐ của tôi là loại HĐLĐ 1 năm, đến ngày 22/08/2013 hết hạn. Tôi đang mang thai và dự sinh đầu tháng 8.2013 đến tháng 2.2014 đi làm lại. Tôi hiện đang làm tổ trưởng công đoàn (là cán bộ công đoàn không chuyên trách) nhiệm kỳ 2012- tháng 08-2014. Nay giám đốc thông báo sẽ không ký tiếp HĐLĐ với tôi nữa vì lý do là không thích ký tiếp. Tôi đã xem luật lao động 2012, luật công đoàn 2012 có quy định: Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (Luật lao động 2012) 1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này. Điều 192. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn (Luật lao động 2012) 6. Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Điều 25. Bảo đảm cho cán bộ công đoàn (Luật công đoàn 2012) 1. Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ. 2. Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 3. Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn đại diện khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn; đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tôi xin hỏi: Công ty không ký tiếp HĐLĐ với tôi là đúng hay sai? Nếu sai, tôi có quyền nhờ công đoàn công ty đấu tranh cho quyền lợi hay không? Trong trường hợp công đoàn bị công ty ép về phe công ty (Vì dù sao công đoàn cũng chỉ là NV của công ty) cho tôi phải nghỉ việc thì tôi phải khởi kiện như thế nào? Nếu khởi kiện thì khả năng thắng của tôi ra sao? Tôi có thể yêu cầu công ty bồi thường những tháng lương còn lại đến hết nhiệm kỳ trong trường hợp đồng ty không cho tôi làm việc vị trí cũ mà bố trí sang 1 công việc khác không phù hợp? Chân thành cảm ơn quý Luật sư!

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 và khoản 6 Điều 32 BLLĐ 2012 thì một trong các trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động là khi Hợp đồng đó hết thời hạn làm việc đã ký kết, trừ trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động cho đến hết nhiệm kỳ.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, do hợp đồng lao động của bạn hết hạn vào ngày 22/8/2013, tuy nhiên nhiệm kỳ hoạt động công đoàn của bạn là đến tháng 8/2014 mới hết nhiệm kỳ, do đó Hợp đồng lao động của bạn sẽ được tiếp tục gia hạn cho đến hết nhiệm kỳ cán bộ công đoàn không chuyên trách mà bạn đang đảm nhận. Bạn lưu ý rằng đây là trường hợp gia hạn hợp đồng lao động cho đến thời hạn nêu trên chứ không phải là ký tiếp hợp đồng lao động mới. Và theo quy định, lao động nữ sau khi nghỉ thai sản thì được bố trí lại công việc cũ, trong trường hợp công việc cũ không còn thì người sử dụng động phải bố trí cho người lao động công việc khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Trong trường hợp công ty bạn không thực hiện đúng quy định nêu trên, bạn có quyền yêu cầu cơ quan công đoàn và các cơ quan nhà nước về quản lý lao động, cũng như cơ quan tòa án giải quyết vấn đề này cho bạn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cán bộ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào