Hiện nay tôi đang sinh sống trên mảnh đất số 00678 QSDĐ theo quyết định số 478/ QĐ- UB(H) ngày 16/04/2003 của UBND huyện Kim Bảng ( Số tờ bản đồ PL 7, số thửa 43; 57), Nguồn gốc mảnh đất của gia đình tôi là một phần đất của cụ Nguyễn Văn Dậu sinh năm 1862. Sinh trú quán tại Kim Thanh- Kim Bình- Kim Bảng- Hà Nam. Cụ sinh được 8 người con, 6 người con thì ra ở khu vực khác, còn lại 2 người con ở chung liền giải cùng một khu đất. Đó là cụ Nguyễn Văn Mão( con cả của cụ Nguyễn Văn Dậu) ở phần mảnh đất phía ngoài và cụ Nguyễn Văn Vị ( em ruột cụ Mão) được ở phần mảnh đất phía bên trong ( lối đi vào hai mảnh đất là từ phía Tây sang Đông. Phía Đông là ao, là ruộng) phải đi qua sân nhà anh mới vào nhà được. Sau hòa bình lập lại con đường này mới được nối dài qua nhà ông Huệ, nhà anh Khải rồi ra đường làng. Cụ Nguyễn Văn Mão đẻ ra ông Nguyễn Đình Đường . Năm 1941 ông Nguyễn Đình Đường di cư vào Miền Nam. Sau hòa bình lập lại tập thể quản lý đất vắng chủ, lúc đó bà Nguyễn Thị Ngần con gái ông Nguyễn Đình Đường và chồng là ông Nguyễn Hữu Bang xuống ở để trông nom bảo quản, qua nhiều lần khai báo được chính quyền địa phương công nhận. Sau khi gia đình bà Ngần chuyển vào Miền Nam sinh sống có bán mảnh đất này cho Ông Lân ( là anh ruột chồng bà Ngần) và ông Lân lại cho con trai cả là Anh Triệu ( Tên goi khác là anh Tiến). Cụ Nguyễn Văn Vị đẻ ra ông Nguyễn Văn Vân là bố đẻ của tôi, tôi là con trai cả nên được thừa kế mảnh đất này. Mảnh đất đã được UBND huyện Kim Bảng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài ngày 16/4/2003. Ngõ đi chính vào nhà tôi từ phía tây sang đông, Phía Bắc và phía Nam không đi được. Sở dĩ 3-4 đời người trong nội tộc gia đình chúng tôi ngõ đi là của chung, anh đi qua đất nhà em, em đi qua đất nhà anh đều trở thành bình thường không bao giờ xảy ra mâu thuẫn về ngõ đi chung cả. Ngõ đi này được rất nhiều người lớn tuổi trong họ tộc cũng như trong dân làng đều chứng kiến như vậy và đều công nhận ngõ đi của cụ Mão, cụ Vị đều đi chung, các cụ vẫn giữ được truyền thống đoàn kết với nhau vì cha mẹ truyền lại. Nhưng các cụ không để lại giao phả hay giấy tờ truyền lại cho con cháu. Đến đời chúng tôi hiện nay, gia đình tôi và gia đình anh Triệu sống với nhau không có vấn đề mâu thuẫn tranh chấp gì. Năm 2006 hai gia đình chúng tôi góp tiền, công sức và hỗ trợ từ các cấp chính quyền đã giải bê tông lại con đường từ đường làng qua sân nhà anh Triệu đến nhà tôi . Hiện nay trên bản đồ địa chính xã không có con đường này ( Phần đất này nằm trong sổ đỏ của gia đình anh Triệu) Nên Triệu có ý định xây xây bịt lối đi kể trên. Tôi xin hỏi: - Việc anh Triệu định xây bịt lối đi nêu trên có đúng pháp luật không? - Gia đình tôi phải làm gì?
Về nguyên tắc ngõ đi đó đã được công nhận là ngõ đi chung của các gia đình, vấn đề ở đây là khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ quan có thẩm quyền đã công nhận quyền sử dụng của anh Triệu đối với phần ngõ đi chung và vẫn thể hiện trên giấy chứng nhận của anh Triệu do đó anh Triệu mới có căn cứ để thực hiện ý định xây, bịt kín lối đi đó lại.
Để giải quyết sự việc này anh có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, thẩm định lại và đính chính thông tin về thửa đất của anh Triệu với việc ghi nhận ngõ đi đó là ngõ đi chung của các hộ trong khu vực đó.
Trường hợp yêu cầu trên không được chấp thuận anh có thể khiếu nại hoặc khởi kiện anh Triệu để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó nếu 2 hướng trên không giải quyết được anh vẫn có thể vận dụng quy định tại Điều 275, Bộ luật Dân sự năm 2005 để được sử dụng ngõ đi đó.
Điều 275 quy định như sau:
1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.