Chế độ phụ cấp của viên chức tại cơ sở y tế công lập

Ông Nguyễn Văn Tú (tuzoom@…) tốt nghiệp đại học, được tuyển dụng làm nhân viên chiếu chụp X-quang ở Phòng khám đa khoa của 1 Trường cao đẳng y tế (đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ). Ông Tú muốn được biết ông có được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật như viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước không?

Theo khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự và  đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.

Hiện nay, không thấy có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định sự khác nhau về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, chế độ bồi dưỡng độc hại giữa viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ và viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập chưa được giao quyền tự chủ.

Như vậy, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, chế độ bồi dưỡng độc hại đối với viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ và cơ sở y tế công lập chưa được giao quyền tự chủ là như nhau.

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ và điểm c, khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/1/2012 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thì, viên chức (kể cả lao động hợp đồng) thuộc biên chế trả lương trong các cơ sở y tế công lập đã được xếp lương theo Nghị định số204/2004/NĐ-CP thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế (xếp lương theo các ngạch viên chức có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 16 hoặc 13) để thực hiện công việc chiếu chụp X-quang, chẩn đoán hình ảnh tại các cơ sở y tế công lập được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 40% .

Cùng với phụ cấp ưu đãi nghề, đối với chức danh nghề chiếu chụp X-quang, viên chức, người lao động còn được hưởng mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ 0,1 – 0,4 theo Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ.

Ngoài ra viên chức, người lao động còn được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức 10.000 đồng, 15.000 đồng, 20.000 đồng và 25.000 đồng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Tú có bằng đại học, được tuyển dụng vào vị trí chiếu chụp X-quang tại Phòng khám đa khoa của 1 Ttrường cao đẳng y tế theo biên chế đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (tự trang trải về tài chính). Căn cứ các quy định của pháp luật viện dẫn nêu trên, nếu ông Tú đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (theo ngạch viên chức có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 16) thì được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, chế độ bồi dưỡng độc hại  như các viên chức, người lao động khác làm công việc chiếu chụp X-quang tại cơ sở y tế công lập chưa được giao quyền tự chủ (hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Viên chức

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào