Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi khi bị chấm dứt hợp đồng lao động do công ty tái cơ cấu?

Tôi công tác tại đơn vị được gần 7 năm, từ năm 2007 đến nay. HĐLĐ ký với tôi là hợp đồng vô thời hạn. Tôi vừa đi làm lại sau thời gian nghỉ thai sản. Vừa qua, đơn vị tôi tái cơ cấu và bỏ đi phòng ban tôi đang công tác. Phòng nhân sự gọi tôi lên trao đổi về việc nghỉ việc vì không bố trí được công việc cho tôi. Họ đưa ra 2 phương án: - Một là yêu cầu tôi nộp đơn thôi việc và đơn vị sẽ trợ cấp cho tôi 2 tháng tiền lương. - Hai là nếu không tự nộp đơn thôi việc, đơn vị sẽ thông báo cho tôi trước 30 ngày và sau đó sẽ chấm dứt hợp đồng với tôi. Lúc đó, tôi sẽ không được nhận 2 tháng lương trợ cấp nữa. Họ có nói là khi tổ chức cơ cấu lại và dư nhân sự, họ có quyền cho nhân sự nghỉ việc. Vậy tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty của bạn đang tiến hành thay đổi cơ cấu, giải thể bộ phận của công ty. Căn cứ Điều 44 Bộ luật Lao động 2012, khi tổ chức cơ cấu, sắp xếp lại công ty, NSDLĐ có nghĩa vụ sau:

“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ, thì NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều NLĐ có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì NSDLĐ phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

3. Việc cho thôi việc đối với nhiều NLĐ theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.”

Như vậy, NSDLĐ bắt buộc phải có phương án sử dụng lao động, ưu tiên đào tạo lại NLĐ để sử dụng vào công việc mới. Trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động 2012.

Khoản 1 Điều 49 BLLĐ 2012 quy định: “1. NSDLĐ trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.”

Như vậy, đối với trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ làm ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ thì NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động  bao gồm Danh sách và số lượng NLĐ tiếp tục sử dụng, danh sách số lượng lao động  chuyển sang làm việc không trọn thời gian, biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện. Nếu không giải quyết được việc làm cho NLĐ, công ty phải trả trợ cấp mất việc làm tương ứng với số năm làm việc của bạn tại công ty, mỗi năm làm việc là một tháng tiền lương. Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm việc được 7 năm ở công ty, do đó, bạn được nhận mức trợ cấp mất việc làm là 7 tháng tiền lương.

Trường hợp bạn tự viết đơn xin thôi việc thì được xem là bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ, do đó, bạn phải tuân thủ quy định tại Điều 37 BLLĐ 2012.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào