Cổ đông sáng lập công ty cổ phần

Nếu tôi mua lại 30% vốn điều lệ của công ty cổ phần, thì có được coi là cổ đông sáng lập của công ty không. Các quy định về cổ đông sáng lập theo luật doanh nghiệp như thế nào.

 

1. Luật Doanh nghiệp định nghĩa: Cổ đông sáng lập (CĐSL) là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần (khoản 11 Điều 4).

Luật Doanh nghiệp cũng quy định: Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Giấy CNĐKDN), CĐSLcó quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho CĐSL khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là CĐSL nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành CĐSL của công ty (khoản 5 Điều 84).

Căn cứ quy định nêu trên, nếu anh (chị) không phải là người tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần thì anh (chị) có thể trở thành CĐSL nếu nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ cổ đông sáng lập.

2. Quy định chi tiết về CĐSL tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP (ngày 01/10/2010, hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp), theo đó:

-  Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất ba CĐSL; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc từ công ty TNHH hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có CĐSL. Trong trường hợp không có CĐSL, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.

- Các CĐSL phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền phát hành tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. CĐSL và cổ đông phổ thông tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy CNĐKDN. Trong thời hạn này, số phiếu biểu quyết của cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông được đăng ký mua.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy CNĐKDN, CĐSL phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải thông báo kết quả góp vốn cổ phần đã đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

- Trường hợp có cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi công ty được cấp Giấy CNĐKDN thì thực hiện theo quy định sau: a- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác; b- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác; c- Trường hợp cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cuối cùng cổ đông phải thanh toán, số cổ phần còn lại được xử lý theo một trong các cách: (i) Các CĐSL còn lại góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty, hoặc: (ii) một hoặc một số CĐSL nhận góp đủ số cổ phần đó, hoặc: (iii) huy động người khác không phải là CĐSL nhận góp đủ số cổ phần đó; người nhận góp vốn đó đương nhiên trở thành CĐSL của công ty và CĐSL chưa góp cổ phần theo đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Khi số cổ phần đăng ký góp của các CĐSL chưa được góp đủ thì các CĐSL cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó. Đồng thời, công ty phải đăng ký thay đổi CĐSL trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn 90 ngày nêu trên.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cổ đông sáng lập

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào