Chế độ đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến

Bà Tạ Thị Mão (tỉnh Nam Định) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về chế độ đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến trong trường hợp gia đình của bà. Ông Nguyễn Văn Thong, chồng bà Mão sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1966, công tác liên tục hơn 15 năm tại Tổng cục Hậu Cần, những khu vực bị rải chất độc hóa học. Năm 1981, ông Thong nghỉ chế độ mất sức quân đội. Đến tháng 9/1990 ông Thong bị bệnh nặng và chết. Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Mão muốn được biết gia đình bà có được hưởng chế độ đối với thân nhân của người có công với cách mạng không?

Ông Nguyễn Văn Thong ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, ông Thong tham gia quân đội về nghỉ chế độ mất sức quân đội (nay là bệnh binh hạng 2/3) từ năm 1981. Tháng 9/1990 ông Thong chết, thời điểm ông Thong chết, thân nhân của ông gồm có: Vợ là bà Tạ Thị Mão mới 39 tuổi và có hai con dưới 18 tuổi.

Căn cứ Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 48-TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 236/HĐBT, tại thời điểm trên bà Mão chưa đủ 55 tuổi nên không được hưởng trợ cấp tuất, hai con của bà đã được hưởng trợ cấp tuất bệnh binh từ trần đến năm 18 tuổi đúng chế độ Nhà nước đã quy định.

Hiện nay, hai người con của ông Thong đều khỏe mạnh và phát triển bình thường không bị dị dạng, dị tật suy giảm hoặc mất khả năng tự lực trong sinh hoạt.

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ và Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, các con của ông Thong không được hưởng chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là đúng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào