Phân biệt việc khắc phục hậu quả và tự nguyện bồi thường?
Phân biệt việc khắc phục hậu quả và tự nguyện bồi thường?
Khi Toà án đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo, trước khi quyết định mức hình phạt đối với họ bao giờ hội đồng xét xử cũng xem xét đến nhân thân người phạm tội, động cơ mục đích phạm tội, hành vi thực hiện tội phạm và các tình tiết giảm nhẹ cũng như tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với họ.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ như sau:
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khoẻ và xâm phạm về tài sản, thì việc người phạm tội sửa chữa, bồi thường và khắc phục hậu quả được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là 3 tình tiết giảm nhẹ, nhưng tính chất của các tình tiết này gần giống nhau về bản chất nên được quy định cùng một điểm.
Sửa chữa ở đây được hiểu là sửa lại những cái bị hư hỏng (như sửa lại chiếc xe bị hỏng, sửa chiếc ghế bị gẫy do hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra).
Bồi thường là việc đền bù lại những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người khác (Ví dụ như con anh lấy xe đạp của người khác nay cháu đã bán chiếc xe đó lấy tiền tiêu xài, nay không thể tìm được chiếc xe đạp đó nên gia đình anh đã mua một chiếc xe đạp khác hoặc trả cho người bị hại hoặc trả tiền bằng giá trị của một chiếc xe đạp cho người bị hại).
Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm thì người phạm tội hoặc đại diện gia đình họ tự nguyện đưa cho gia đình người bị hại một khoản tiền chữa bệnh, tiền viện phí, tiền trợ cấp khó khăn thì chỉ được coi đó là tự nguyện khắc phục hậu quả chứ không phải là bồi thường).
Khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được.
Trường hợp gia đình anh đưa người bị hại đi bệnh viện, lo chạy chữa vết thương, chi tiền thuốc men, viện phí được coi là khắc phục hậu quả. Cả ba tình tiết nêu trên đều được coi là các tình tiết giảm nhẹ để Toà án cân nhắc xử giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật