Cấp chứng chỉ cho người kiểm nghiệm mẫu, có cần thiết?
Việc lấy mẫu phân bón để phân tích chất lượng là khâu đầu tiên, rất quan trọng quyết định việc xác định chất lượng phân bón được lấy từ lô cần kiểm tra. Nếu lấy mẫu sai thì toàn bộ kết quả phân tích sau này không phản ánh đúng chất lượng lô phân bón được lấy mẫu dẫn đến những kết luận sai lầm hoặc gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh hoặc gây thiệt hại cho người sử dụng.
Để lấy được mẫu phân bón đại diện cho lô phân bón cần lấy mẫu kiểm tra, người lấy mẫu phải có những hiểu biết nhất định về chuyên môn, chủng loại phân bón, cách thức lấy mẫu, vì vậy cần phải được đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ, mã số lấy mẫu phân bón.
Quá trình đào tạo, tập huấn người lấy mẫu phân bón đã cho thấy, rất nhiều cán bộ trước khi tham gia lớp học không có hiểu biết và chưa bao giờ được tiếp xúc với việc lấy mẫu. Việc đào tạo đã trang bị cho cán bộ trong lĩnh vực này những kiến thức và tay nghề cần thiết cho việc lấy mẫu để đảm bảo tính chính xác và công bằng.
Đến nay đã có trên 2.000 người được đào tạo, cấp chứng chỉ và mã số lấy mẫu, nhưng chưa có phản ánh nào về việc gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Trái lại, công tác đào tạo và cấp chứng chỉ đã giúp cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước được tốt hơn, công bằng hơn, ít xảy ra các trường hợp tranh cãi về chất lượng phân bón kiểm tra.
Ngoài ra, không có mối liên hệ nào để cho rằng quy định về đào tạo người lấy mẫu phân bón là nguyên nhân tạo điều kiện cho doanh nghiệp gian lận về chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là nông dân, đây cũng không thể là nguyên nhân tạo điều kiện cho phân bón giả, kém chất lượng, tràn lan…
Thư Viện Pháp Luật