Người có tên trong hộ khẩu liên quan gì quyền thừa kế nhà?
Theo quy định tại Điều 3 và Điều 11 Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013, công dân có quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ đăng ký (hộ khẩu) thường trú hoặc tạm trú tại một địa điểm nhất định để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc quản lý nhà nước về cư trú.
Trong luật này cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào thể hiện công dân đăng ký hộ khẩu ở địa chỉ nào thì được sở hữu nhà đất ở địa chỉ đó. Do vậy, việc công dân đăng ký hộ khẩu là nhằm mục đích xác định nơi cư trú của công dân chứ không phải là căn cứ xác định quyền sở hữu tài sản tại địa điểm đăng ký hộ khẩu của công dân.
Với các quy định nêu trên, việc gia đình bạn đồng ý cho cháu ruột nhập hộ khẩu không làm phát sinh quyền sở hữu tài sản của cháu đối với diện tích nhà và đất tại nơi đăng ký hộ khẩu.
Trường hợp sau này gia đình bạn cần bán nhà thì cũng không cần phải có sự đồng ý của cháu (kể cả khi đó cháu đã đủ 18 tuổi). Khi ký kết hợp đồng mua bán, cũng không cần người cháu ruột phải tham gia mà chỉ cần các đồng sở hữu (mẹ và bốn anh chị em bạn) đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Trường hợp sau này nếu người cháu ruột có đóng góp vào việc sửa chữa, cải tạo căn nhà thì khi các đồng sở hữu thực hiện các quyền của chủ sở hữu như cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng…, các đồng sở hữu phải thanh toán cho người cháu khoản tiền mà người cháu đã bỏ ra nếu người cháu yêu cầu.
Ngoài khoản tiền này, các đồng sở hữu không phải bồi thường hay có trách nhiệm gì đối với người cháu. Việc lo chỗ ở mới cho cháu sau khi bán nhà là trách nhiệm của cha mẹ cháu và bản thân cháu (nếu cháu đã thành niên) chứ không phải trách nhiệm của các đồng sở hữu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thư Viện Pháp Luật