Chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể bị tù đến 7 năm
Theo Khoản 3 Điều 19 Luật BHXH 2014 thì trách nhiệm của người lao động là bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Cũng theo Điều 49 của Quyết định 959 năm 2015 của BHXH Việt Nam quy định về quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế thì trách nhiệm của người tham gia là tự bảo quản sổ của mình.
Do đó, bạn đọc này có quyền yêu cầu công ty giao sổ bảo hiểm xã hội cho mình bảo quản. Công ty không giao sổ BHXH cho người lao động là không đúng quy định.
Thưa luật sư, bạn đọc này đòi sổ BHXH là vì bạn ấy nghi ngờ công ty thu tiền BHXH của mình nhưng không đóng. Đây là hành vi mà nhiều doanh nghiệp hay làm gây thiệt hại rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Nếu bị phát hiện thì hành vi này bị xử lý như thế nào thưa ông?
Hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động thì tùy mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính thì theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 95 năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88 năm 2015) của Chính phủ.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền với mức từ 12% đến 20% tổng số tiền doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm, tùy vào mức độ vi phạm. Tuy nhiên, số tiền phạt này tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Theo luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền, trong BLHS 2015, việc xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH được quy định rất chi tiết.
Số tiền phạt ít ỏi trên liệu có đủ sức răn đe không thưa luật sư, nhất là với những doanh nghiệp sử dụng hàng ngàn lao động?
Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn đóng BHXH diễn biến phức tạp. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2016, khi BLHS 2015 có hiệu lực thì hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có thể bị truy cứu hình sự theo Điều 216.
Điều 216 quy định rất cụ thể các mức vi phạm dựa vào số lao động, số tiền mà doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm mà có các mức xử phạt. Chỉ cần trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc từ 10 người trở lên là đã bị xử lý hình sự, mức án thấp nhất là cải tạo không giam giữ 1 năm và mức án cao nhất là phạt tù 7 năm.
Ngoài ra, mức phạt tiền kèm theo đối với cá nhân vi phạm cũng tăng rất cao, thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất lên đến 1 tỷ đồng.
Đối với pháp nhân vi phạm thì mức phạt tiền là từ 200 triệu đồng cho đến 3 tỷ đồng.
Thư Viện Pháp Luật