Trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ của doanh nghiệp xăng dầu
1. Nghĩa vụ mua Bảo hiểm cháy, nổ được quy định tại Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (PCCC), Nghị định 130/2006/NĐ-CP (quy định về chế độ Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc), cụ thể:
Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân khác tham gia bảo hiểm cháy, nổ (Điều 9 Luật PCCC).
Trong đó, “cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ” được liệt kê cụ thể tại Phụ lục 1 ban hành kèm Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, ngày 04/04/2003, như: Cơ sở sản xuất vật liệu nổ, cơ sở khai thác, chế biến dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cơ sở sản xuất, chế biến hàng hoá khác cháy được có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; Kho vật liệu nổ, kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt hoá lỏng; cảng xuất nhập vật liệu nổ, cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, cảng xuất nhập khí đốt hoá lỏng; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng…
Như vậy, theo quy định trên, Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ mua Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của doanh nghiệp đó, nhưng không có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm cháy, nổ cho nhân viên làm việc trong công ty.
2. Trách nhiệm của cơ quan BHXH và của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động năm 1994, đã sửa đổi bổ sung năm 2002 (BLLĐ), Luật BHXH năm 2006 và các văn bản hướng dẫn, như sau:
- Người sử dụng lao động phải đóng BHXH và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định của pháp luật lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH (Điều 18 Luật BHXH).
- BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ sau đây: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất (Điều 4 Luật BHXH).
- Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật (Điều 105 BLLĐ).
- Trách nhiệm (bắt buộc) của người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
Người lao động được hưởng chế độ BHXH về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ BHXH. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trong trường hợp do lỗi của người lao động thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) (Điều 107 BLLĐ).
Khi có tai nạn lao động xảy ra, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ cho tổ chức BHXH theo quy định tại Điều 114 Luật BHXH, đề nghị tổ chức BHXH giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động (Điều 118 Luật BHXH).
- Trách nhiệm của tổ chức BHXH: Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ BHXH (Điều 20). Đồng thời Tổ chức BHXH có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (Điều 118 Luật BHXH).
Thư Viện Pháp Luật