Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật

Tôi đã làm việc tại một Công ty cổ phần xây dựng và đóng BHXH liên tục 30 năm, nhưng chưa đủ tuổi về hưu theo quy định. Hiện tại, tôi muốn nghỉ việc và gửi đơn xin nghỉ tới Công ty đã mấy tháng nay, nhưng không thấy Công ty trả lời. Hỏi phía Công ty giải quyết có đúng quy định không?

Anh không nêu rõ trong thư, anh làm việc tại Công ty theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) nào. Nhưng theo thông tin anh cung cấp (đã làm việc tại Công ty và đóng BHXH liên tục 30 năm), thì anh đang làm việc tại công ty theo chế độ HĐLĐ không xác định thời hạn.

Quy định tại khoản 3 Điều 37 BLLĐ: “Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất ba ngày".

Theo quy định này, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có nguyện vọng nghỉ việc, sau khi gửi thông báo nghỉ việc 45 ngày (không cần phải nêu lý do nghỉ), có thể nghỉ việc (đơn phương chấm dứt hơp đồng). Trường hơp này, người lao động được coi là đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật Lao động (kể cả khi không có chấp thuận của người sử dụng lao động) và sẽ được hưởng quyền lợi khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật, cụ thể:

- Khoản 1 Điều 42 BLLĐ: “Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có”.

Chi tiết về trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động (trách nhiệm chi trả, nguồn kinh phí, thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc, mức lương phụ cấp tính trợ cấp thôi việc…) tại Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ.

- Điều 43 BLLĐ: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động được thanh toán theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.

Người sử dụng lao động ghi lý do chấm dứt hợp đồng lao động vào sổ lao động và có trách nhiệm trả lại sổ cho người lao động. Ngoài các quy định trong sổ lao động, người sử dụng lao động không được nhận xét thêm điều gì trở ngại cho người lao động tìm việc làm mới”.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào