Trường hợp nào được xác nhận có trình độ trung cấp lý luận chính trị?
Ngày 16/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Quy định số 256-QĐ/TW về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, thay thế cho Quyết định số 12-QĐ/TC-TTVH ngày 9/1/2004 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương về việc xác định trình độ lý luận chính trị.
Theo Quy định số 256-QĐ/TW, Ban tổ chức của cấp uỷ cấp huyện và tương đương; Ban tổ chức của cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương; cơ quan tổ chức cán bộ của các ban, cơ quan đảng, đoàn thể, bộ, ngành và tương đương ở Trung ương có trách nhiệm lập danh sách cán bộ, đảng viên có yêu cầu đề nghị xác định trình độ lý luận chính trị và chuyển đến cơ sở đào tạo theo phân cấp đối tượng và địa bàn đào tạo.
Trên cơ sở danh sách đề nghị của Ban tổ chức cấp uỷ các cấp, cơ quan tổ chức cán bộ của các ban, cơ quan đảng, đoàn thể, bộ, ngành và tương đương ở Trung ương, các cơ sở đào tạo (trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, trường chính trị cấp tỉnh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm thẩm định, cấp giấy xác nhận. Nếu nội dung, chương trình đã học tương đương với chương trình nào thì căn cứ vào đó để cấp giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị.
Giá trị của Giấy xác định được quy định tại Điều 5 Quy định 256-QĐ/TW. Theo đó, giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các trường ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên và được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị và được xét dự thi nâng ngạch công chức.
Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên và được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị khi xét dự thi nâng ngạch công chức, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Như vậy, việc xác nhận bà Hằng có được tương đương sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị hay cao cấp lý luận chính trị là phụ thuộc vào chương trình học của bà Hằng tương đương trình độ nào thì cơ sở đào tạo sẽ xét công nhận hay không công nhận. Sau khi được xác nhận thì giấy xác nhận đó có giá trị để xét dự thi nâng ngạch công chức, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thư Viện Pháp Luật