Trường hợp không được hưởng trợ cấp thai sản

Bà Nguyễn Thị Hoa (Nam Định) tham gia BHXH từ tháng 12/2011 đến tháng 8/2013. Tháng 9/2013 do sức khỏe yếu khi mang thai nên bà Hoa đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc và được công ty có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/9/2013. Cũng trong tháng 9/2013, bà Hoa bị sẩy thai. Bà Hoa hỏi, trường hợp của bà có được cơ quan BHXH thanh toán trợ cấp thai sản theo chế độ sẩy thai, thai chết lưu sau khi nghỉ việc (bảo lưu) như trường hợp sinh con sau khi đã chấm dứt HĐLĐ không?

Tại Khoản2, Điều 14 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: 

Trường hợp lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 31, 32, 34 và khoản 1 Điều 35 Luật BHXH (trong đó Điều 31 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con; Điều 32 quy định về thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi; Điều 34 quy định về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và khoản 1 Điều 35 quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH). 

Như vậy, trường hợp nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi khi đi khám thai (Điều 29 Luật BHXH); khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu (Điều 30 Luật BHXH) và khi thực hiện các biện pháp tránh thai (Điều 33 Luật BHXH), không có quy định được hưởng chế độ thai sản.

Với quy định trên, trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoa đã nghỉ việc sau đó bị sẩy thai thì không được hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào