Bệnh phải chữa trị dài ngày, chuyển viện thế nào?

Con của bà Nguyễn Khánh Linh (khanhlinh190582@...) mắc bệnh "Hội chứng thận hư", thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo Thông tư số 34/2013/TT-BYT ngày 28/10/2013 của Bộ Y tế. Con bà Linh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bà Linh chuyển BHYT cho con lên Bệnh viện, theo hướng dẫn của cán bộ bảo hiểm tại địa phương, trường hợp của con bà được chuyển viện thời hạn 1 năm/lần. Tuy nhiên, khi bà Linh đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi thì được trả lời, con bà chỉ được 2 lần hưởng chế độ BHYT cho mỗi lần chuyển viện. Bà Linh đã về địa phương xin giấy chuyển viện nhưng không được. Bà Linh hỏi, bệnh của con bà được hưởng chế độ chuyển viện như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 13 Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, trường hợp người bệnh đến khám lại theo yêu cầu điều trị của cơ sở y tế tuyến trên không qua cơ sở đăng ký ban đầu, thì phải xuất trình các giấy tờ quy định (như thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh) và phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở y tế. Mỗi giấy hẹn chỉ có giá trị sử dụng một lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn.

Như vậy, Bệnh viện Nhi trả lời bà Linh là đúng quy định.

Danh mục bệnh cần chữa trị dài ban hành theo Thông tư số 34/2013/TT-BYT là cơ sở xác định thời gian hưởng chế độ ốm đau cho người lao động, không điều chỉnh đối với giấy chuyển viện/giấy hẹn tái khám.

Để giảm bớt thủ tục hành chính và đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho người bệnh có BHYT, BHXH Việt Nam đã đề nghị liên bộ xem xét quy định danh mục các bệnh mãn tính, điều trị dài ngày được sử dụng giấy hẹn tái khám có thời hạn trong trường hợp bệnh viện tuyến dưới không đủ khả năng chuyên môn để điều trị đối với các bệnh này.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào