BHXH tự nguyện chưa công bằng so với BHXH bắt buộc?
Các chế độ BHXH ngắn hạn nói chung (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,..) được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc chia sẻ rất lớn, mọi người thuộc diện tham gia BHXH đều phải đóng góp vào quỹ (do người sử dụng lao động đóng) để giải quyết cho người lao động hưởng chế độ khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho thấy, số người hưởng chế độ khi sinh con trong một năm chỉ chiếm khoảng 3% tổng số lao động đang làm việc tại các đơn vị. Như vậy, trên 30 người đóng góp vào quỹ ốm đau và thai sản để cho 1 người hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Nếu áp dụng tự nguyện đối với các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản) thì sẽ không thực hiện được nguyên tắc chia sẻ này.
Theo tính toán cân đối thu chi cho từng cá nhân, với tỷ lệ đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản của BHXH bắt buộc thì một người lao động phải đóng khoảng 20 năm mới đủ chi trả cho chế độ thai sản (chưa tính hưởng chế độ ốm đau). Do đó, việc đề xuất áp dụng chế độ ốm đau, thai sản đối với chính sách BHXH tự nguyện như những người tham gia BHXH bắt buộc là thiếu cơ sở và không có tính khả thi.
Chính vì vậy, chính sách BHXH tự nguyện chỉ hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ của chế độ hưu trí, bảo đảm cuộc sống của người lao động khi về già, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thư Viện Pháp Luật