Lỡ nhận là cha, nay muốn từ chối phải làm thế nào?
Pháp luật về dân sự có các quy định về quyền nhân thân, đó là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển giao cho người khác, chỉ trừ những trường hợp có quy định khác của pháp luật. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, theo đó, khi quyền dân sự nói chung, quyền nhân thân nói riêng của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự bảo vệ bằng việc tự mình cải chính hoặc yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Về quyền nhận cha, mẹ, con, tại Điều 43 Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định:
1. Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó.
2. Người được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình không phải là cha, mẹ hoặc là con của người đó.
Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình; người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 tại Điều 27 đã quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
Từ những quy định đó của pháp luật, để giải quyết điều vướng mắc của anh hiện nay, anh có thể làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chị Th và cháu bé để yêu cầu Tòa án giải quyết. Anh cần cung cấp cho Tòa án các tài liệu cần thiết, có thể cả yêu cầu giám định để chứng minh cháu bé không phải là con của mình.
Thư Viện Pháp Luật