Người lập di chúc để lại một phần di sản cho con của người có thẩm quyền chứng thực
Đây là trường hợp yêu cầu chứng thực di chúc nhưng người có thẩm quyền chứng thực di chúc (anh Quân) là người có quan hệ cha - con với người được hưởng di sản (cháu Dịu).
Theo quy định tại Điều 659 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Người có thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không được chứng thực đối với di chúc nếu họ là ... người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Như vậy trong trường hợp trên, anh Quân hiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, là người có thẩm quyền chứng thực nhưng theo ý nguyện lập di chúc của ông Tiến thì anh lại có con gái là người thừa kế theo di chúc của ông Tiến nên việc ông Tiến nhờ anh chứng thực di chúc là không thể thực hiện được.
Để giải quyết trường hợp này, cách tốt nhất là anh Quân hướng dẫn ông Tiến đến Phòng Công chứng của tỉnh hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thuận tiện nhất cho việc đi lại để yêu cầu chứng thực di chúc, vì theo quy định của pháp luật thì việc công chứng, chứng thực di chúc có thể thực hiện tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực nào (không phụ thuộc vào nơi cư trú của người lập di chúc hoặc di sản của người lập di chúc). Khi đi, ông Tiến cần mang theo Giấy chứng minh nhân dân và trong trường hợp tài sản mà ông có ý định để thừa kế là tài sản mà pháp luật quy định là phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì ông còn phải mang theo các giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó.
Thư Viện Pháp Luật